QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG  CỦA PHÒNG QUAN HỆ DOANH NGHIỆP
 
I. CHỨC NĂNG
Phòng quan hệ doanh nghiệp (Phòng QHDN) là phòng chức năng, tham mưu tư vấn, giúp Hiệu trưởng trong các lĩnh vực:
- Tham mưu giúp Hiệu trưởng về tổ chức và quản lý các hoạt động tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp; làm đầu mối, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện và quản lý công tác tuyển sinh của Nhà trường, công tác hướng nghiệp, tư vấn và hỗ trợ giới thiệu việc làm cho HS-SV trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp, công tác thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp.
- Tổ chức và quản lý các hoạt động thực tập của HS-SV tại doanh nghiệp;
- Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo giấy chứng nhận hoạt động;
- Tổ chức hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo giấy chứng nhận hoạt động;
- Tìm kiếm các nguồn tài trợ, học bổng cho HS-SV từ các tổ chức, doanh nghiệp.
II. NHIỆM VỤ
1.  Công tác tuyển sinh:
1.1. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch công tác tuyển sinh hàng năm của nhà trường;
1.2. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm dựa theo tình hình thực tế của Nhà trường trình Ban giám hiệu phê duyệt;
1.3. Đề xuất các phương án, biện pháp thực hiện hoàn thành tốt nhất chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm;
1.4. Thực hiện triển khai các phương án tuyển sinh (truyền thông, Marketing phục vụ công tác tuyển sinh của Nhà trường);  phối hợp với các đơn vị trong Nhà trường và đơn vị liên kết đào tạo thiết kế và đăng quảng cáo tuyển sinh trên các báo, đài, mạng internet, tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng có nhu cầu học nghề.
1.5. Đề xuất các phương án, giải pháp, cơ chế cụ thể để huy động lực lượng học sinh, sinh viên và đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên cùng tham gia vào công tác tư vấn tuyển sinh hàng năm nhằm đạt chỉ tiêu đề ra phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường;
1.6. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; chuẩn bị thông tin và thực hiện công tác giải đáp, tư vấn qua các hình thức: tổng đài, trực tiếp giải đáp tại văn phòng tuyển sinh, kênh online, zalo, facebook, ngày hội tuyển sinh… Tổng hợp thông tin, thu thập dữ liệu quảng bá chiêu sinh qua các ngày hội tuyển sinh, các đợt tập trung thí sinh của Nhà trường tổ chức;
1.7. Duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với các trường THCS, THPT, TTGDNN-GDTX, các điểm tuyển sinh và các đối tác tuyển sinh của Nhà trường;
1.8. Chuẩn bị thủ tục, hồ sơ phục vụ công tác tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế, quy định hiện hành;
1.9. Trực tiếp thu nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh, tổng hợp, báo cáo số liệu, chuẩn bị nội dung các cuộc họp Hội đồng tuyển sinh định kỳ và đột xuất. Lưu trữ các số liệu tuyển sinh hàng năm đảm bảo minh bạch, dễ tra cứu, tìm kiếm;
1.10. Soạn thảo các văn bản liên quan đến tuyển sinh (thông báo tuyển sinh, giấy báo nhập học...) và thông báo trúng tuyển tới các thí sinh dự tuyển;
1.11. Theo dõi, xác nhận khối lượng công tác của các cá nhân, đơn vị tham gia phối hợp thực hiện công tác tuyển sinh cho Nhà trường;
1.12. Hoàn thiện và bàn giao đầy đủ hồ sơ HS-SV trúng tuyển cho các đơn vị liên quan sau khi HS-SV hoàn thành nhập học;
1.13. Tham gia ngày hội tuyển sinh, ngày hội việc làm… do các đơn vị tổ chức.
1.14. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khen thưởng, khuyến khích đơn vị, cá nhân có đóng góp nhằm tăng cường quy mô và hiệu quả tuyển sinh.
1.15. Chủ trì tổ chức hội nghị tuyển sinh hàng năm để tổng hợp, báo cáo kết quả công tác tuyển sinh trong năm và đề xuất phương hướng, giải pháp, kế hoạch tuyển sinh năm tiếp theo.
2. Công tác quan hệ doanh nghiệp và tư vấn việc làm cho HS-SV:
2.1. Liên hệ mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để tìm kiếm, ký kết và triển khai thực hiện các thoả thuận, hợp tác về đào tạo huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và cung ứng lao động;
2.2. Tổ chức liên hệ cơ sở thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp cho HS-SV;
2.3. Tổng hợp các ý kiến góp ý từ doanh nghiệp để tư  vấn cho Ban Giám hiệu về việc hoàn thiện chương trình, mở nghề đào tạo đáp ứng và phù hợp với nhu cầu xã hội;
2.4. Xây dựng hình thành hệ thống thông tin hai chiều giữa trường với các doanh nghiệp về thị trường lao động, thông tin nguồn lực và nhu cầu lao động để tư vấn giới thiệu việc làm cho HS-SV;
2.5. Thu thập thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động làm cơ sở tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường trong việc thực hiện các giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động;
2.6. Chủ động duy trì mối quan hệ và đề xuất, triển khai các chương trình trình hội nghị, hội thảo giữa nhà trường với các doanh nghiệp;
2.7. Vận động, tìm kiếm các nguồn tài trợ học bổng cho HS-SV từ các doanh nghiệp;
2.8. Tổ chức giới thiệu việc làm cho HS-SV sau khi tốt nghiệp. Tư vấn cho HS-SV về lao động xuất khẩu và các hình thức khác như tu nghiệp sinh, du học...;
2.9. Xây dựng chương trình hội nghị, hội thảo về tư vấn và giới thiệu việc làm cho HS-SV Nhà trường.
3. Công tác thông tin tuyên truyền:
3.1. Tham mưu, đề xuất các giải pháp truyền thông có hiệu quả phục vụ cho công tác tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp;
3.2. Tổ chức các hội thảo, tư vấn tuyển sinh tại chỗ, hội chợ việc làm với các đơn vị tuyển dụng lao động;
3.3. Thiết lập quan hệ và cung cấp thông tin tuyển sinh với các cơ quan truyền thông, trường học, tổ chức giáo dục;
3.4.  Bồi dưỡng và huấn luyện đội ngũ cộng tác viên tuyển sinh trở thành chuyên nghiệp và đủ năng lực cho việc tư vấn tuyển sinh;
3.5. Viết bài, làm phim, phóng sự, trên website, facebook, zalo giới thiệu cho HS-SVvà học sinh cuối cấp THCS, THPT.
4. Các nhiệm vụ khác:
4.1. Quản lý viên chức, người lao động và tài sản được giao theo quy định.
4.2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quyết định của Hiệu trưởng.
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC
1. Cơ cấu nhân sự:                
STT Chức danh Số lượng  
1 Trưởng phòng 01  
2 Phó trưởng phòng 01  
3 Nhân viên tuyển sinh 04  
4 Nhân viên quan hệ doanh nghiệp 02  
2. Chức năng, nhiệm vụ các vị trí:
2.1. Trưởng phòng:
- Trưởng phòng là người chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về quản lý, điều hành mọi hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy chế hoạt động của Nhà trường;
- Tham mưu cho BGH ban hành các văn bản liên quan đến công tác tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp.
- Quan hệ tìm kiếm đối tác để hợp tác trong công tác tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp;
- Phụ trách chung, xây dựng kế hoạch công tác của phòng từng tuần, tháng, quý, năm;
- Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển sinh và QHDN hàng năm;
- Triển khai các kế hoạch tuyển sinh và QHDN theo từng thời điểm;
- Báo cáo kết quả và tổng kết công tác tuyển sinh và QHDN hàng năm;
- Tham gia Hội đồng tuyển sinh theo quyết định của Hiệu trưởng;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự chỉ đạo của cấp trên.
- Là thường trực Hội đồng tuyển sinh theo quyết định của Hiệu trưởng;
- Phân công nhiệm vụ, chỉ đạo, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của các nhân viên trong phòng;
- Chủ trì các cuộc họp của phòng; ký các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách theo sự ủy quyền của Hiệu trưởng;
- Triệu tập các cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác tuyển sinh và QHDN của Nhà trường khi được sự ủy quyền của Hiệu trưởng;
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật (Luật GDNN), các quy chế tuyển sinh của Bộ LĐ-TBXH, quy chế và thông báo tuyển sinh của Nhà trường;
- Theo dõi, cập nhập thường xuyên tình hình tuyển sinh báo cáo với BGH để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phù hợp;
- Đề xuất với Hiệu trưởng về việc khen thưởng, kỷ luật các thành viên trong phòng;
- Giải quyết cho CBNV của phòng được nghỉ phép tối đa 01 ngày.
2.2. Phó trưởng phòng:
- Tham mưu, giúp Trưởng phòng thực hiện các hoạt động liên quan tới mảng công việc được phân công phụ trách;
- Chủ động xây dựng và trình Trưởng phòng phê duyệt nội dung, kế hoạch các công việc được phân công phụ trách để thực hiện;
- Xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS, THPT trong và ngoài Thành phố Hà Nội, và các kế hoạch khác khi được trưởng phòng phân công;
- Tham mưu, đề xuất ý kiến cho Trưởng phòng về việc xác định đối tượng và khu vực tuyển sinh, từ đó đề xuất chiến lược tuyên truyền tuyển sinh phù hợp;
- Tham mưu giúp Trưởng phòng về lập kế hoạch tuyển sinh tổng thể và chi tiết. Giúp Trưởng phòng trong việc tổ chức tuyển sinh các hệ đào tạo của Nhà trường.
- Tham mưu giúp Trưởng phòng về lập kế hoạch tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo giấy chứng nhận hoạt động.
- Quản trị website của phòng, thường xuyên cập nhập thông tin lên website theo yêu cầu.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng phòng phân công;
- Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch và nắm vững tình hình hoạt động các mảng công việc phụ trách;
- Chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và Hiệu trưởng về kết quả hoạt động thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Định kỳ báo cáo Trưởng phòng về tình hình kết quả công việc theo quy định.
- Đề xuất với Trưởng phòng các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác của phòng và các công việc được phân công phụ trách;
- Thay mặt Trưởng phòng điều hành công việc của phòng khi được ủy quyền;
- Ký các văn bản, giấy tờ được sự ủy quyền của Trưởng phòng;
- Thay thế Trưởng phòng trong các cuộc họp khi trưởng phòng vắng mặt hoặc được ủy quyền.
2.3. Nhân viên tư vấn tuyển sinh:
- Tư vấn, thu nhận hồ sơ, nhập dữ liệu và lưu trữ hồ sơ tuyển sinh các nghề đào tạo của Nhà trường theo quy định;
- Hỗ trợ việc theo dõi, trả lời thông tin giao tiếp hỏi-đáp qua internet, facebook, zalo, qua tư vấn tuyển sinh liên kết;
- Thống kê, báo cáo kịp thời kết quả công tác tuyển sinh và các số liệu liên quan cho Trưởng phòng và cấp trên khi có yêu cầu;
- Thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh trực tiếp, qua điện thoại và internet;
- Thực hiện và tham gia công việc tuyển sinh các hệ đào tạo của Nhà trường;
- Hiểu, sử dụng thành thạo và chuyên nghiệp các ứng dụng tin học, mạng internet và phần mềm tuyển sinh;
- Năng động, tháo vát, ứng xử tình huống nhanh nhạy, chuẩn xác;
- Có trách nhiệm với công việc được giao, sẵn sàng chịu được áp lực từ công việc, làm ngoài giờ khi công việc yêu cầu;
- Có sức khỏe tốt để đảm nhận công việc được giao một cách tốt nhất.
- Đề xuất với Trưởng phòng các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác của phòng và các công việc được phân công;
- Trực tiếp tiếp xúc với các đối tác, các phòng, khoa, đơn vị liên quan xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết và xử lý ngay các nội dung được giao để hoàn thành tốt công việc;
- Được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc;
- Tham gia các cuộc họp, sinh hoạt của phòng, báo cáo tình hình công việc thường xuyên cho Trưởng phòng;
2.4. Nhân viên quan hệ doanh nghiệp và tư vấn việc làm cho HS-SV:
- Tư vấn, thu nhận hồ sơ, nhập dữ liệu và lưu trữ dữ liệu về việc làm thuộc các hệ và các nghề đào tạo của Nhà trường theo quy định;
- Xây dựng các kế hoạch, chương trình hội thảo, định hướng nghề nghiệp cho HS-SV;
- Tư vấn cho HS-SV một số kỹ năng khi tìm việc như: Làm hồ sơ, viết CV, viết đơn xin việc, xử lý tình huống trong phỏng vấn, giao tiếp với nhà tuyển dụng;
- Tư vấn, giới thiệu về ngành, nghề đào tạo của Nhà trường, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cho HS-SV;
- Tổ chức các buổi phỏng vấn xin việc làm của HS-SV khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng;
- Làm cầu nối tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp;
- Hỗ trợ công tác hướng nghiệp và việc làm cho HS-SV;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tỷ lệ HS-SV có việc làm theo từng năm học;
- Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu đào tạo của xã hội, thông tin phản hồi những ý kiến đánh giá chất lượng đào tạo và sự linh hoạt trong quá tình tổ chức đào tạo nghề của nhà trường đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Thực hiện nhiệm vụ liên kết với doanh nghiệp để triển khai hoạt động hướng nghiệp và tuyển dụng cho HS-SV chuẩn bị ra trường;
- Tư vấn và hỗ trợ giới thiệu việc làm cho HS-SV sau khi tốt nghiệp.
- Giải quyết các công việc trong phạm vi quyền hạn được giao hoặc trình lãnh đạo phòng giải quyết những vấn đề mới phát sinh trước khi thực hiện;
- Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác do Trưởng phòng giao;
- Định kỳ tổng hợp báo cáo Trưởng phòng về kết quả công việc theo quy định.
- Đề xuất với Trưởng phòng các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác của phòng và các công việc được phân công phụ trách;
- Trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, các phòng, khoa, đơn vị liên quan xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết và xử lý ngay các nội dung được giao để hoàn thành tốt công việc;
- Được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc;
- Tham gia các cuộc họp, sinh hoạt của phòng, báo cáo tình hình công việc thường xuyên cho Trưởng phòng;
2.5. Nhân viên quan hệ doanh nghiệp về thực tập và tham quan doanh nghiệp:
- Tư vấn, thu nhận hồ sơ, nhập dữ liệu và lưu trữ dữ liệu về thực tập của HS-SV thuộc các hệ và các nghề đào tạo của Nhà trường theo quy định;
- Xây dựng các kế hoạch, chương trình tư vấn, định hướng thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp cho HS-SV;
- Thực hiện nhiệm vụ liên kết với cơ quan, doanh nghiệp để triển khai hoạt động thực tập nghề nghiệp và thực tấp tốt nghiệp cho HS-SV;
- Tìm kiếm các cơ hội thực tập tốt (có lương và cơ hội việc làm sau thực tập) cho HS-SV;
- Hỗ trợ HS-SV trong lĩnh vực thực tập, tham quan thực tế tại doanh nghiệp;
- Quản lý hồ sơ HS-SV các khóa trong quá trình đi thực tập tại doanh nghiệp;
- Phụ trách công tác văn thư, lưu trữ của phòng;
- Giải quyết các công việc trong phạm vi quyền hạn được giao hoặc trình lãnh đạo phòng giải quyết những vấn đề mới phát sinh trước khi thực hiện;
- Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác do Trưởng phòng giao;
- Định kỳ báo cáo Trưởng phòng về kết quả công việc theo quy định.
- Đề xuất với Trưởng phòng các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác của phòng và các công việc được phân công;
- Trực tiếp tiếp xúc với các doanh nghiệp, phòng, khoa, đơn vị liên quan xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết và xử lý ngay các nội dung được giao để hoàn thành tốt công việc;
- Được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc;
- Tham gia các cuộc họp, sinh hoạt của phòng, báo cáo tình hình công việc thường xuyên cho Trưởng phòng;
IV. QUYỀN HẠN
- Được quyền chủ động xây dựng quy chế, điều hành hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Được sử dụng các phương tiện, cơ sở vật chất theo đúng quy định của Nhà nước và quy chế của Nhà trường để phục vụ cho công việc.
- Thừa lệnh Hiệu trưởng giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
V. QUAN HỆ CÔNG TÁC
1. Quan hệ công tác trong Phòng:
- Trưởng phòng là người đứng đầu phòng, Phó phòng là người giúp trưởng phòng quản lý, thực hiện một số mảng công việc được giao;
- Trưởng phòng chủ trì các cuộc họp của Phòng, khi được ủy quyền, Phó phòng thay mặt Trưởng phòng chủ trì các cuộc họp khi Trưởng phòng vắng mặt.;
- Trưởng phòng thường kỳ tổ chức họp, tổ chức đánh giá kết quả công tác so với chương trình, kế hoạch theo từng tháng, quý, năm học.
2. Quan hệ công tác với các Phòng, khoa, đơn vị trong Nhà trường:
- Phòng quan hệ doanh nghiệp hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách, thực hiện các nhiệm vụ đã ghi ở mục II;
- Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách về kết quả thực hiện công việc hàng tháng, quý, năm học;
- Quan hệ giữa Phòng quan hệ doanh nghiệp với các Phòng, Khoa, đơn vị trong Nhà trường là mối quan hệ phối kết hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Trường hợp không thống nhất quan điểm phải xin ý kiến chỉ đạo của Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách.
3. Quan hệ công tác với các đối tác ngoài trường:
- Luôn duy trì, phát triển bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích hài hòa cho các bên.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
- Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, các Quy chế trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ;
- Trong quá trình thực hiện quy chế sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động và phát triển của Nhà trường;
- Việc sửa đổi, bổ sung quy chế này do Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp, Trưởng phòng TC-HC-QT trình Hiệu trưởng xem xét, quyết định./. 

Thông tin liên hệ:

PHÒNG QUAN HỆ DOANH NGHIỆP - TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ
Trưởng phòng: Nguyễn Công Hùng
Địa chỉ: Tổ 27 - Thị trấn Đông Anh, Hà Nội
Đi động: 0912 626 631
Website: www.httc.edu.vn
FacebookFanpage: https://www.facebook.com/truongcaodangkythuatcongnghe