Lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Theo đó, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải "tuyệt đối không tham vọng quyền lực", "không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi".
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện với quyết tâm cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội XIV, nhiều ý kiến cử tri cũng đánh giá cao quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 |
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm được phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc công khai các vụ “đại án”; xử lý kỷ luật nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cả cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu càng khẳng định không có “vùng cấm”, không có chuyện “hạ cánh an toàn” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, thực chất, tạo niềm tin trong nhân dân, từ đó làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với chế tài đủ mạnh giữ vai trò quan trọng. Công tác cán bộ được quan tâm hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016-2021 cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng nêu rõ, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.
Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, những cán bộ này phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức, sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt.
Đặc biệt, những cán bộ này “không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi” và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ”tự diễn biến”, ’’tự chuyển hóa" trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành quy định số 85-QĐ/TW (ngày 23-5-2017) về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Quy định này nêu rõ mục đích kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong kê khai tài sản; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Chủ thể của công việc kiểm tra, giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nội dung là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và của vợ, hoặc chồng và con chưa thành niên của cán bộ đó.
Như vậy, các quy định trên cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “đầy cam go và phức tạp này” đang được thực hiện với quyết tâm cao nhất, bắt đầu từ trên xuống, mà trước tiên là từ các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Điều này sẽ tạo thêm niềm tin tưởng của nhân dân; kéo gần khoảng cách “nói đi đôi với làm”, không có “vùng cấm” hay “né tránh”, bất kể ai vi phạm dù ở cương vị nào cũng đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo TTXVN