Nghề làm phụ đề phim
 Cập nhật  (24/12/2016)
​Thời gian gần đây, chúng ta đã có thói quen xem một bộ phim với phụ đề tiếng Việt với đầy đủ những âm thanh chân thực nhất như nguyên gốc chứ không còn xem những bộ phim có thuyết minh như trước kia. Việc làm phụ đề cũng khiến cho các chương trình giải trí, truyền hình thực tế và phim đến với khán giả nhanh hơn hẳn so với cách làm lồng tiếng truyền thống như trước kia, thậm chí chỉ sau vài tiếng đồng hồ là chúng ta có thể xem ngay một tập phim vừa được phát sóng tại nước khác. Đây cũng là một công việc thú vị đối với những bạn trẻ có khả năng ngoại ngữ tốt, vừa giúp trau dồi vốn từ vựng vừa giúp các bạn có thêm những khoản thu nhập đáng kể.
 
Bạn có biết để có thể mang đến sản phẩm chất lượng và nhanh chóng đến với người xem như vậy, những người làm phụ đề đã phải hy sinh nhiều thời gian rảnh rỗi và tâm huyết của mình?
Không hề đơn giản
Làm phụ đề phim trải qua 6 công đoạn. Công đoạn đầu tiên là dịch thuật (translate), sau đó là biên tập (edit), rồi căn chỉnh thời gian (timing), tạo hiệu ứng phụ đề (typeset) và cuối cùng là ghép phụ đề (Encode) vào video. Mỗi sản phẩm là công sức của một tập thể trong nhiều ngày chứ không phải của riêng một cá nhân nào cả.
Mỗi công đoạn lại có mỗi khó khăn riêng. Ví dụ ở vị trí dịch thuật yêu cầu phải biết ngoại ngữ; vị trí biên tập cần nắm rõ ngữ pháp, câu cú và biết vận dụng sáng tạo ngôn ngữ trong câu; vị trí căn chỉnh thời gian yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận sao cho phụ đề khớp với lời thoại nhân vật; cuối cùng những người làm công việc tạo hiệu ứng và ghép phụ đề phim cần am hiểu về công nghệ và máy tính có cấu hình cao.
Ở mỗi một vị trí khác nhau đòi hỏi ở mỗi subber những yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên có một yêu cầu chung đối với mỗi một subber khi làm nghề này đó chính là sự tỉ mỉ và chịu khó. Mỗi một subber phải làm việc liên tục trong nhiều giờ liền bên máy tính với những thước phim, đồng thời thao tác phải đảm bảo chính xác và hết sức tỉ mỉ nên nếu bạn không phải là một người cẩn thận và có tính kiên nhẫn, thực sự rất khó để có thể hoàn thành công việc.
Đối với vị trí translator, bắt buộc subber phải biết ngoại ngữ.
Đối với vị trí edit, phải am hiểu ngôn ngữ tiếng Việt và có khả năng diễn đạt trôi chảy. Vì là vị trí biên tập lại bản dịch nên editor phải là người có nguồn văn phong Việt Nam tương đối tốt và việc để sót lỗi chính tả là điều tối kỵ.
Đối với vị trí timing, phải có kinh nghiệm timing, sử dụng phần mềm làm sub aegisub thành thạo, tỉ mỉ và cẩn thận. Đối với vị trí typeset, bạn phải thành thạo aegisub, am hiểu các tag trong aegisub. Vị trí này đòi hỏi khá nhiều kỹ thuật khó trong aegisub để tạo hiệu ứng cho phụ đề nên đòi hỏi subber phải luôn biết tìm tòi và học hỏi.
Cuối cùng, với vị trí encode thì phải có kinh nghiệm Encode bằng các phần mềm: Megui, Virtualdub, XvidPSP… Cấu hình máy tính phải tương đối cao và sử dụng thành thạo aegisub.
Trải qua nhiều công đoạn như vậy nên yếu tố thời gian rất quan trọng. Chị Nguyễn Thảo Nguyên (cựu sinh viên Đại học Ngoại thương) đến từ diễn đàn Kites chia sẻ: “Có những phim “hot” được nhiều người theo dõi, lại chiếu với tần suất cao khoảng 1 tuần ra 2 tập phim buộc các thành viên trong nhóm phải chạy đua với thời gian. Có những hôm tôi thức đêm đến tận 2, 3 giờ sáng mới xong việc. Còn những anh chị đã có công việc ổn định, không thể thức đêm được lại tranh thủ làm vào giờ nghỉ trưa, giờ giải lao hoặc dậy thật sớm”.
“Tôi đã gắn bó với công việc làm phụ đề được 4 năm. Có lúc mệt mỏi tôi cũng muốn từ bỏ nhưng niềm đam mê, gắn bó với đội ngũ tại diễn đàn đã như một phần không thể thiếu trong cuộc sống khiến tôi có động lực làm việc trở lại và tiếp tục gắn bó với diễn đàn”- chị Hải An tâm sự.
Video về Quy trình làm phụ đề phim:

Công việc từ niềm đam mê
Trong “giới” làm phụ đề nói chung hầu như ai cũng chỉ coi làm phụ đề đơn thuần là công việc chứ không phải là nghề nghiệp. Đơn giản là bởi những bộ phim có phụ đề mà chúng ta xem trên mạng gần như là miễn phí, đội ngũ làm phụ đề ở các diễn đàn như Kites hay HDViet làm việc này trên tinh thần tự nguyện chia sẻ chứ không có lợi nhuận hay thù lao.
Mới đây, tôi có được nghe anh Nguyễn Quốc Khánh– một người làm phụ đề rất nổi tiếng trên HDViet chia sẻ: “Tôi làm phụ đề tiếng Việt đã được hơn 10 năm nay và vẫn đang tiếp tục với công việc thú vị ấy. Công việc này mang đến nhiều niềm vui cho tôi. Vui vì được chia sẻ, rồi lại được nhận về tình cảm của bạn bè khắp nơi”. Ở cái tuổi ngoài 30, có công việc và gia đình ổn định nhưng trong những chia sẻ từ anh, người ta vẫn cảm nhận rõ nhiệt huyết được cống hiến cho cộng đồng.
Chia sẻ thêm chị Thảo Nguyên cho biết: “Niềm vui của khán giả khi thưởng thức bộ phim tôi làm phụ đề là những đồng “lương” quý giá. Mỗi lần được khán giả khen dịch tốt, phụ đề hay lại khiến tôi có thêm động lực để cho ra đời nhiều tác phẩm hơn nữa”.
Còn đối với chị Hải An, làm phụ đề cho chị cơ hội rèn luyện tính kiên nhẫn, sự kiên trì ở bản thân vì công việc đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Tiện đấy, chị cũng hào hứng khoe với tôi nhiều dự án mới: “Thời gian tới tôi sẽ triển khai làm phụ đề tiếng Việt một số bộ phim sắp được chiếu trên Đài Truyền hình Trung Quốc như: Bí mật thời gian bị vùi lấp, Lan Lăng Vương, Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên. Các bộ phim dự định lên sóng này đều được thành viên diễn đàn bình chọn với số phiếu cao. Ngoài ra tôi cũng đang làm Typesetter và Encoder cho bộ phim Hàn Quốc “Đế quốc hoàng kim”, phim hiện đang chiếu đến tập 5 bên Hàn Quốc”.
Những người làm phụ đề như chị Hải An, chị Thảo Nguyên, anh Khánh vẫn mải miết công việc thầm lặng để đem đến niềm vui cho nhiều khán giả. Nếu dùng ngôn ngữ để miêu tả chính xác về họ, tôi sẽ dùng từ “đam mê”. Bởi nếu không có đam mê họ cũng sẽ không làm công việc phi lợi nhuận ấy một cách nhiệt tình như vậy, không có đam mê họ cũng không tìm thấy niềm vui ở công việc đang làm. Từ những người yêu phim bình thường, họ đã đóng góp cho thế giới mạng ở Việt Nam thêm phong phú, hấp dẫn. Tuy họ không phải là đại diện cho toàn bộ cộng đồng mạng ngày hôm nay nhưng nếu thiếu đi những người làm phụ đề Việt đó thì hẳn sẽ là thiếu sót to lớn trong thế giới mạng ở Việt Nam.
Nguồn: Internet