Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật công nghệ đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng chống tham nhũng
 Cập nhật  (02/12/2022)
Triển khai và thực hiện Kế hoạch số 114/KH-CDNKTCN ngày 31/5/2022 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ về việc triển khai tuyên truyền phòng, chống tham nhũng năm 2022. Thông qua công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền pháp luật, nhằm làm rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, người lao động, học sinh sinh viên. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức, nghề nghiệp và quyết tâm của viên chức, người lao động và học sinh sinh viên trong toàn trường đối với việc phòng, chống tham nhũng. Góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng trong nhà trường, bảo đảm mọi hoạt động trong nhà trường đều công khai mình bạch và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Trong những năm qua, Nhà trường luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tuyên truyền luật phòng chống tham nhũng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thích hợp với từng loại đối tượng đó là tuyên truyền miệng, bài giảng, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, trên các phương tiện, thông tin nghe nhìn, Internet…; hoạt động ngoại khoá và các hình thức văn hoá, nghệ thuật khác tạo sự la toả mạnh mẽ đến từng cán bộ đảng viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong toàn trường. Trong đó, tập trung vào các hình thức chủ yếu sau:
Thứ nhất, Nhà trường thường xuyên tổ chức, tiến hành hình thức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, hội họp, giao ban, sơ tổng kết họp đơn vị định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, giảng dạy,… để lồng ghép phổ biến nội dung các văn bản phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tài liệu phổ biến, giáo dục luật phòng chống tham nhũng gồm nhiều loại như: các văn bản của Đảng, luật phòng chống tham nhũng, các nghị định, thông tư, hướng dẫn. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và người lao động về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, các Phòng, Khoa giáo viên; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Thứ hai, Định kỳ tổ chức các cuộc Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng phong cách làm việc, thực hành tiết kiệm, gắn với quán triệt các văn bản của Đảng, luật phòng chống tham nhũng. Để mỗi người sau cuộc học tập, tự soi lại bản thân mình, nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ra sức thực hành tiết kiệm theo gương của Người để tiết kiệm trở thành một thói quen hàng ngày mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, cũng tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Trường; Đưa công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng vào thực tế một cách bền vững, thiết thực, từ đó từng bước chủ động đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào công tác giảng dạy trong Nhà trường.
Thứ ba, Tổ chức hoạt động ngoại khoá, cuộc thi “Rung chuông vàng” về luật phòng chống tham nhũng tới các em học sinh sinh viên hay các buổi gala, liên hoan văn nghệ…. Đây thực sự là những hoạt động không chỉ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến học sinh mà còn phát huy được khả năng tự viết bài, thu thập tư liệu, sưu tầm hình ảnh, năng khiếu vẽ hoặc lựa chọn, biên kịch các tiết mục văn nghệ sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn. Chính thông qua các hoạt động như vậy, sẽ giúp cho giáo viên và học sinh nhà trường có thêm những kiến thức mới về phòng, chống tham nhũng, nâng cao nhận thức cho học sinh về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, biết tỏ thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 
Thứ từ, xây dựng tủ sách pháp luật, điểm tuyên truyền tập trung về pháp luật phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính. viết bài đưa tin trên các phương tiện truyền thông của trường và trên địa bàn, Thiết kế hình ảnh trực quan, Pano áp phích cổ động về các hoạt động phòng chống tham nhũng sẽ giúp cho mọi người dễ tiếp cận, ghi nhớ được những nội dung mà ấn phẩm cần chuyển tải. Đặc biệt, trên wedsite, mạng xã hội (Zalo, facebook…) cũng là là một phương tiện truyền thông mới mà hầu hết mọi người đều sử dụng, nhất là các em học sinh, sinh viên. Bởi, những ưu điểm vượt trội của truyền thông xã hội như: tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao... đã thu hút đông đảo các chuyên gia, luật sư, các nhà văn, những chính khách, chính trị gia tham gia hàng trăm bài viết, ý kiến, góc nhìn thấu đáo, đầy trách nhiệm để góp thêm tiếng nói nhằm ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, việc thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng trên wedsite, mạng xã hội luôn Nhà trường quan tâm, thường xuyên cập nhật các văn bản của đảng, luật phòng chống tham nhũng,  tin bài về phòng chống tham nhũng, tấm gương điển hình hay những hành vi tham nhũng,… để mọi cán bộ, đảng viên, người lao động và học sinh, sinh viên được dễ dàng tiếp cận, lưu truyền nhanh chóng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường luôn lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và đội ngũ tuyên truyền, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong Nhà trường. Xác định rõ khoản ngân sách hằng năm cho hoạt động phòng chống tham nhũng để đáp ứng đầy đủ, kịp thời về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục luật phòng, chống tham nhũng đã góp phần tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động và học sinh sinh viên trong phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng của Nhà trường./.

Phạm Minh Vỹ