Tống Thọ Hòa đang thực hiện bài thi tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44
Đem nghề xây gạch ra thế giới
Ở một kỳ thi tay nghề thế giới - nơi hội tụ đỉnh cao tay nghề, nghề xây gạch đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe như: kỹ năng đặt gạch, tốc độ thực hiện... và cả yếu tố sáng tạo, qua đó Ban giám khảo sẽ đánh giá năng lực của thí sinh. Sinh viên Tống Thọ Hòa đã xuất sắc vượt qua vòng thi quốc gia với 24 thí sinh để được lựa chọn tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới.
Chuẩn bị tham dự kỳ thi tay nghề thế giới, Tống Thọ Hòa cho biết: Qua hai đợt huấn luyện từ tháng 2/2017, được các chuyên gia tận tình hướng dẫn, tôi cảm thấy tay nghề đã được nâng lên đáng kể và có thêm kinh nghiệm thực tế, thực hành thuần thục những kỹ năng quan trọng như: đọc bản vẽ để từ đó triển khai công việc hiệu quả. Có thể nói kỹ năng này không quá khó, nhưng nó đòi hỏi sự tập trung, quan sát kỹ lưỡng. Đồng thời liên tục rèn luyện thật kỹ những kỹ năng nghề có độ chính xác cao đến từng milimet.
Cuộc thi thường sử dụng những vật liệu mà Việt Nam không dùng, vì vậy phải sáng tạo để sử dụng các vật liệu khác tương ứng mà mình sẵn có. Ví dụ như về gạch, kích thước gạch của Việt Nam khác so với gạch được sử dụng tại kỳ thi, do đó, phải tạo gạch từ các Blog cỡ lớn, cắt ra từng viên có kích thước phù hợp để sử dụng trong quá trình huấn luyện. Bên cạnh đó, đề thi cũng không được thông báo trước như mọi năm, đây cũng là một khó khăn trong kỳ thi này...
“Công nghệ xây dựng trên thế giới hiện rất cao, Việt Nam đi sau khá nhiều, tuy nhiên những công nghệ áp dụng trong cuộc thi không liên quan nhiều đến kỹ thuật, máy móc hiện đại mà chủ yếu liên quan đến trình độ và kỹ năng tay nghề. Chính vì vậy, em không cảm thấy áp lực nhiều trong kỳ thi này” – Hòa chia sẻ.
Thầy Trần Tuấn Long, trưởng nhóm chuyên gia huấn luyện nghề xây gạch cho biết: Chuẩn bị cho kỳ thi, đội ngũ chuyên gia và thí sinh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, đề ra kế hoạch, chiến thuật phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu khắt khe của ban tổ chức Kỳ thi tay nghề thế giới, hoàn thành tốt công tác huấn luyện. Với kỹ năng và kinh nghiệm từ Kỳ thi tay nghề ASEAN lại được củng cố kỹ năng chuyên môn trong thời gian huấn luyện.
PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhận định: Xây gạch là nghề truyền thống có thế mạnh của đoàn Việt Nam, đây cũng là một nghề được kỳ vọng có thành tích tốt trong Kỳ thi tay nghề thế giới lần này.
Một tương lai rộng mở đang chờ đón
Đến với nghề một cách tự nhiên, Tống Thọ Hòa chia sẻ, cũng như bao bạn khác, em cũng ước mơ vào đại học nhưng nhận thấy khả năng mình không vào được nên quyết định chuyển sang học nghề. Quyết định này, Tống Thọ Hòa cũng đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của cả gia đình. Đến bây giờ, em thấy mình đã lựa chọn đúng con đường của mình.
Từ các cuộc thi, Tống Thọ Hòa đã tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc, qua đó có thể tìm kiếm được công việc thích hợp cho mình sau tốt nghiệp. Được biết, trong những năm gần đây, nghề xây dựng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay, thường đạt tỷ lệ tới khoảng 90%. Với những thành tích trong học nghề và thi cử, tương lai của sinh viên Tống Thọ Hòa đang rộng mở, bởi chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm và đề nghị hợp tác làm việc. Sau kỳ thi và tốt nghiệp, Hòa cũng đã được gợi ý ở lại trường làm giảng viên hoặc có thể tham gia xuất khẩu lao động.
Được biết, trong 4 lần tham gia cuộc thi xây gạch của ASEAN, Việt Nam đã có 8 thí sinh đoạt huy chương vàng. Trong 3 lần dự thi tay nghề thế giới, có 1 thí sinh đạt chứng chỉ Kỹ năng xuất sắc nghề xây gạch. Trong Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 vừa được tổ chức tại Abu Dhabi tháng 10 năm 2017, thi sinh Tống Thọ Hòa, nghề Xây gạch đã giành được Chứng chỉ nghề xuất sắc.
Theo báo LĐ & XH