Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
 Cập nhật  (16/05/2022)

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; lựa chọn những ngành nghề có tính chất tiên phong, mở đường để đào tạo.

Ngày 12/5, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ tổ chức lễ Bế giảng, trao bằng tốt nghiệp cho học sinh sinh viên Cao đẳng và Trung cấp khóa 13, niên khóa 2019-2022 và Khai giảng cao đẳng liên thông K16 niên khóa 2022-2024. Tới dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh.


Các sinh viên trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ nhận bằng tốt nghiệp.

Trong khóa học 2019-2022, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ có 590 học sinh nhập học, được biên chế vào 10 nghề đào tạo, gồm: điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, hàn, quản trị mạng máy tính, may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn và nghề kế toán doanh nghiệp.

Chương trình Cao đẳng của trường có thời gian học tập 2-2,5 năm với 3 khối kiến thức kỹ năng cơ bản, gồm: khối kiến thức các môn học chung bắt buộc, khối kiến thức kỹ năng chuyên môn theo nghề và khối kỹ năng thực tập tại doanh nghiệp.

Với chương trình Trung cấp, đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS, trường đã phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, đào tạo song song 2 chương trình là văn hóa THPT hệ Giáo dục thường xuyên và Trung cấp. Như vậy, sau 3 năm, học sinh ra trường được cấp 2 bằng: Trung cấp và bằng THPT quốc gia.

Hiện quy mô đào tạo văn hóa THPT hệ Giáo dục thường xuyên của trường tương đương một trường THPT công lập, gồm 29 lớp học với gần 1.300 học sinh.

Kết thúc khóa học 2019-2022, nhà trường có 481 học sinh, sinh viên đạt yêu cầu được tốt nghiệp (tỷ lệ 98,77%).

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh và thầy Đặng An Bình, Hiệu trưởng nhà trường đã trao bằng tốt nghiệp cử nhân thực hành và kỹ sư thực hành cho học sinh, sinh viên tiêu biểu khóa học XIII, niên khóa 2019-2022. Nhà trường cũng đã trao tặng học bổng toàn khóa và học bổng khuyến học cho học sinh sinh viên nhằm khuyến khích các em trong học tập.


Thứ trưởng Lê Văn Thanh: "Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ xứng đáng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp tin cậy, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động TB&XH Lê Văn Thanh bày tỏ vui mừng trước những đổi thay của nhà trường: cơ sở vật chất, cảnh quan, khuôn viên, cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, hiện đại; các loại hình đào tạo ngày một đa dạng, phong phú, chất lượng, cho thấy sự năng động, phản ánh sự phát triển bền vững, mạnh mẽ của nhà trường. 

Đồng thời, Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương những thành tích và nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của đội ngũ giáo viên; đánh giá cao sự nỗ lực của các em học sinh, sinh viên đã hoàn thành khóa học.

Thứ trưởng gửi lời chúc mừng tới nhà trường và 481 tân kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành, trung cấp nhận bằng tốt nghiệp, chúc các em sớm tìm được việc làm đúng chuyên ngành đã được đào tạo, phát huy tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, đem những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong trường để ứng dụng có hiệu quả nhất, góp phần xây dựng, phát triển xã hội.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội chỉ đạo nhà trường tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Muốn có chất lượng giáo dục nghề nghiệp cao, ngoài chú tâm đào tạo để tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm cao, phải lựa chọn những ngành nghề có tính chất tiên phong, mở đường, đào tạo những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.

Đặc biệt, cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đào tạo; thực hiện tốt 5 nội dung sau.

Thứ nhất, tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đào tạo và quản trị trường. Trường cần xây dựng lộ trình phù hợp, đảm bảo đến năm 2025, 100% hoạt động được số hóa, tiến tới hình thành nhà trường thông minh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ, khuyến khích nhà giáo, cải tiến đồ dùng học tập, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề… Gắn kết với các chuyên gia từ doanh nghiệp để xây dựng chương trình, giáo trình bám sát sản xuất thực tiễn; để doanh nghiệp cũng là môi trường đào tạo thứ hai cho người học. Nhà trường phát triển theo mô hình nhà máy thông minh, để đào tạo thực sự gắn với đầu ra, việc làm. Đa dạng đầu tư các loại hình dịch vụ, nhất là hoạt động dịch vụ nâng cao đơn đặt hàng đào tạo, liên kết đào tạo của các doanh nghiệp.

Thứ ba, khảo sát, lấy thông tin từ doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, kết hợp nghiên cứu mô hình đào tạo, chương trình đào tạo của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Singapore để đề xuất những ngành nghề mới hiện chưa có trong danh mục nghề của Nhà nước. Từ đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vượt trội, đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0.

Thứ tư, quy trình hóa các hoạt động đào tạo của trường, đảm bảo 100% chương trình đào tạo được kiểm định trong giai đoạn 2022-2025. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, xây dựng chiến lược phát triển trường, trong đó nhấn mạnh những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu giáo dục nghề nghiệp.
 

Theo dantri.com.vn