Quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
 Cập nhật  (15/03/2017)
Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư số: 06/2017/TT-BLĐTBXH về Quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
 

Ảnh minh họa


Theo qui định,  cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo nhà giáo được luân phiên bồi dưỡng theo chu kỳ ít nhất 5 năm một lần; thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn: 4 tuần trong 1 năm đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và 2 tuần trong 1 năm đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

Theo đó, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng theo 3 loại hình sau: 1- Bồi dưỡng chuẩn hóa là loại hình bồi dưỡng cho nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và những nội dung khác theo quy định của pháp luật; 2- Bồi dưỡng nâng cao là loại hình bồi dưỡng cho nhà giáo để nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, tiến bộ khoa học, công nghệ và những nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nghiệp; 3- Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn đối với nhà giáo là loại hình bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, công nghệ, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nội dung chương trình bồi dưỡng phải đảm bảo thể hiện được mục tiêu bồi dưỡng; quy định kiến thức, kỹ năng của người học sau khi hoàn thành khóa học; phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; cách thức đánh giá kết quả học tập sau khi hoàn thành khóa học. Đồng thời, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; đảm bảo việc liên thông giữa các chương trình bồi dưỡng.

Nội dung chương trình bồi dưỡng được định kỳ rà soát cập nhật, bổ sung cho phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Theo Thông tư, hình thức tổ chức bồi dưỡng có thể là tập trung, bán tập trung, vừa làm vừa học và từ xa. Phương thức tổ chức bồi dưỡng gồm: Hội thảo; tập huấn; bồi dưỡng chuyên đề; nghiên cứu, khảo sát thực tế; tham quan học tập; thực tập nâng cao và tự nghiên cứu nâng cao trình độ.

Kết quả bồi dưỡng sẽ được sử dụng để đánh giá nhà giáo trong việc thực hiện nhiệm vụ hàng năm hoặc được sử dụng làm điều kiện xét nâng hạng, thi nâng hạng viên chức; xét công nhận đạt chuẩn và các chế độ, chính sách khác có liên quan.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/5/2017.
 

(theo Báo Lao động Xã hội)